Viêm gan virus B (VGVR B) là bệnh truyền nhiễm quan trọng, phổ biến toàn cầu, do vi rút viêm gan B (HBV) gây ra. HBV là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh viêm gan mạn, xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) tại Việt Nam. HBV có thể gây viêm gan tối cấp, viêm gan cấp và viêm gan mạn, tiến triển thành xơ gan, HCC.
Đường lây truyền
HBV nhiễm qua 3 con đường chính là đường máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con. Việt Nam nằm trong vùng dịch tễ lưu hành cao của nhiễm HBV (tỉ lệ nhiễm HBV > 8%) với đường lây chủ yếu là từ mẹ truyền sang con.
Đường lây viêm gan B từ mẹ sang con:
- Đường lây truyền HBV rất đặc biệt, phần lớn xảy ra trong giai đoạn chu sinh hoặc những tháng đầu sau sinh, không lây qua nhau thai, đây là một cách thức lây nhiễm phổ biến và quan trọng nhất.
- Mức độ lây nhiễm tùy thuộc vào nồng độ virus viêm gan B (HBV DNA) và tình trạng HBeAg của mẹ vào 3 tháng cuối thai kỳ. Nếu mẹ có nồng độ HBV cao và HBeAg (+) thì khả năng lây truyền cho con càng cao.
- Nếu mẹ có HBsAg thì tỉ lệ truyền cho con khoảng 20%. Nếu mẹ có HBcAg thì tỉ lệ truyền cho con là khoảng 90%, nếu mẹ có HBeAg thì con dễ bị viêm gan mãn tính. Tuy nhiên điều này hoàn toàn có thể được ngăn chặn, nếu tiêm vacxin cho trẻ trong vòng 12h sau khi sinh.
- Virus viêm gan B có trong sữa mẹ với nồng độ rất thấp do đó lây truyền chủ yếu là do trẻ bú cắn vào vú mẹ gây trầy xước, chảy máu dẫn đến lây nhiễm.
Viêm gan B lây qua đường máu:
- Nếu da hoặc niêm mạc của chúng ta bị xây xước không toàn vẹn mà tiếp xúc với máu của người bị nhiễm HBV thì nguy cơ nhiễm bệnh sẽ rất cao. HBV cũng được tìm thấy trong dịch cơ thể khác như dịch âm đạo, tinh dịch, sữa mẹ, nước bọt, mồ hôi, nước tiểu, phân, dịch mật vì vậy khi da hoặc niêm mạc bị tổn thương mà tiếp xúc với các dịch này thì cũng có thể bị lây nhiễm HBV nhưng với tỉ lệ rất thấp.
- Tái sử dụng kim và ống tiêm: Việc lây truyền bệnh cũng có thể xảy ra thông qua việc tái sử dụng kim và ống tiêm trong môi trường chăm sóc sức khỏe hoặc giữa những người tiêm chích ma túy.
- Nhiễm máu nhiễm bệnh: Nhiễm virus viêm gan B xảy ra trong quá trình y tế, phẫu thuật và nha khoa, thông qua hình xăm hoặc thông qua việc sử dụng dao cạo và các vật tương tự bị nhiễm máu nhiễm bệnh.
Viêm gan B lây qua đường tình dục:
Khi quan hệ tình dục không an toàn ( không sử dụng bao cao su hoặc sử dụng chung dụng cụ tình dục) với người bị viêm gan siêu vi B, bạn cũng sẽ có khả năng bị nhiễm HBV. Virus có trong dịch tiết của người nhiễm sẽ thâm nhập vào cơ thể bạn qua các vết xước nhỏ và sau đó, xâm nhập vào máu gây nhiễm HBV. Hình thức lây truyền qua đường tình dục đặc biệt hay gặp ở những người đàn ông không được tiêm chủng có quan hệ tình dục đồng giới có nhiều bạn tình hoặc tiếp xúc với gái mại dâm.
Phòng ngừa Viêm gan B
Cách tốt nhất để ngăn ngừa viêm gan B là tiêm phòng. Bên cạnh đó, cần hạn chế các cách có thể làm lây truyền virus viêm gan B.
Tiêm phòng vắc xin viêm gan siêu vi B
Các đối tượng sau nên đi tiêm phòng vắc xin viêm gan B:
- Tất cả trẻ sơ sinh
- Tất cả trẻ em và thanh thiếu niên dưới 19 tuổi chưa được tiêm chủng
- Những người có nguy cơ lây nhiễm khi quan hệ tình dục
- Những người có bạn tình bị viêm gan B
- Những người có quan hệ tình dục với nhiều bạn tình trong vòng 6 tháng gần đây
- Những người đang điều trị hoặc có nguy cơ cao mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục
- Nam giới có quan hệ tình dục đồng giới
- Những người có nguy cơ bị nhiễm trùng do tiếp xúc với máu:
- Những người tiêm chích ma tuý
- Những người sống chung với người bị viêm gan B
- Những người sống hoặc làm việc trong các cơ sở dành cho người khuyết tật chậm phát triển
- Nhân viên y tế hoặc người làm việc trong các ngành nghề có nguy cơ tiếp xúc với máu hoặc dịch cơ thể bị nhiễm máu khi làm việc
- Những người chạy thận nhân tạo
- Những người mắc bệnh tiểu đường từ 19–59 tuổi (những người mắc bệnh tiểu đường từ 60 tuổi trở lên nên hỏi bác sĩ về việc có nên tiêm vắc xin hay không).
- Du khách quốc tế đến các quốc gia có tỷ lệ người mắc viêm gan B cao
- Những người bị nhiễm virus viêm gan C
- Người bị bệnh gan mãn tính
- Người nhiễm HIV
- Tất cả những đối tượng khác có nhu cầu tiêm phòng để bảo vệ bản thân khỏi sự lây nhiễm virus viêm gan B.
Người tiêm vắc xin cần hoàn thành loạt mũi tiêm gồm 3 hoặc 4 mũi theo lịch tiêm để được bảo vệ toàn diện.
Các biện pháp phòng ngừa viêm gan B khác
Ngoài tiêm phòng, viêm gan B cũng có thể được phòng ngừa bằng cách:
- Không dùng chung kim tiêm hoặc các dụng cụ khác có thể đã tiếp xúc với máu hoặc dịch cơ thể
- Đeo găng tay nếu phải chạm vào máu hoặc vết thương hở
- Đảm bảo địa chỉ xăm hình/xỏ khuyên sử dụng các dụng cụ được vô trùng đúng cách
- Không dùng chung đồ dùng cá nhân, chẳng hạn như bàn chải đánh răng, dao cạo râu hoặc đồ cắt móng tay
- Quan hệ tình dục an toàn.
Bài viết được tham khảo chuyên môn từ Bác sĩ Nguyễn Thị Diệu Huyền - Bác sĩ chuyên Khoa Nội Bệnh viện Sante
Liên hệ ngay để được tư vấn và đặt lịch khám với các chuyên gia hàng đầu tại Bệnh viện Sante:
Địa chỉ: 11A Đinh Bộ Lĩnh, Phường 24, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh
Hotline: (028) 2200 8686
Fanpage: www.facebook.com/benhviensante
Website: www.bvsante.com