Tổn thương thận cấp: các dấu hiệu và nguyên nhân

Y học thường thức
27/04/2024

Tổn thương thận cấp (AKI) là khi thận của bạn đột ngột ngừng hoạt động, dẫn đến mất chức năng thận nhẹ cho đến nặng hơn là suy thận hoàn toàn. AKI thường xảy ra như một biến chứng của một bệnh nặng khác. Loại tổn thương thận này thường thấy ở những người lớn tuổi, những người đang mắc các bệnh lý khác làm ảnh hưởng đến thận. AKI khác với bệnh thận mãn tính (CKD)- một tình trạng mà thận mất dần chức năng trong một thời gian dài.

Các triệu chứng thường gặp của AKI bao gồm:

  • Cảm giác mệt mỏi

  • Tiêu chảy

  • Phù chi

  • Đi tiểu ít hơn bình thường

  • Lú lẫn

  • Buồn ngủ

Nếu thận ngừng hoạt động hoàn toàn, bệnh nhân sẽ cần sự hỗ trợ tạm thời của máy lọc máu, nếu không nguy cơ tử vong sẽ rất lớn.

Ai có nguy cơ AKI?

Một người có nhiều khả năng bị AKI hơn nếu:

  • Trên 65 tuổi

  • Đang có vấn đề về thận, chẳng hạn như bệnh thận mãn tính

  • Đang mắc bệnh mạn tính, chẳng hạn như suy tim, bệnh gan hoặc tiểu đường

  • Đang bị mất nước (do tiêu lỏng, nôn ói, mất máu…)

  • Bị tắc nghẽn đường tiết niệu (sỏi tiết niệu, phì đại tiền liệt tuyến, u bướu gây chèn ép đường tiết niệu…)

  • Bị nhiễm trùng nặng hoặc nhiễm trùng huyết

  • Đang dùng một số loại thuốc, bao gồm thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDS, chẳng hạn như ibuprofen) hoặc thuốc huyết áp, chẳng hạn như ức chế ACE hoặc lợi tiểu (thuốc lợi tiểu thường có lợi cho thận, nhưng có thể trở nên có hại khi bệnh nhân bị mất nước hoặc bị bệnh nặng)

  • Sử dụng kháng sinh Aminoglycosides – tuy nhiên đây chỉ là vấn đề nếu người bệnh bị mất nước hoặc phải sử dụng thuốc dài ngày

Nguyên nhân của AKI

+ Hầu hết các trường hợp AKI là do giảm lưu lượng máu đến thận, có thể do:

  • Mất máu, nôn mửa, tiêu chảy, hoặc mất nước nặng

  • Tim bơm ra ít máu hơn bình thường do suy tim, suy gan hoặc nhiễm trùng huyết

  • Các vấn đề của mạch máu - chẳng hạn như viêm và tắc nghẽn mạch máu trong thận (một tình trạng hiếm gặp gọi là viêm mạch máu-Vasculitis )

  • Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến thận (NSAID, ACEI/ARB, lợi tiểu, thuốc cản quang, kháng sinh…)

+ Một số bệnh lý tại thận, chẳng hạn như viêm cầu thận.

+ AKI cũng có thể là kết quả của sự tắc nghẽn của hệ tiết niệu, chẳng hạn như:

  • Phì đại tuyến tiền liệt

  • Khối u trong khung chậu, chẳng hạn như u buồng trứng, đại tràng hoặc bàng quang

  • Sỏi thận

AKI ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, thay đổi cách chuyển hóa của một số loại thuốc trong cơ thể và có thể làm những bệnh hiện có tiến triển nặng hơn. Vì thế, việc phát hiện sớm và điều trị nghiêm túc AKI là rất quan trọng.

Bài viết được tham khảo chuyên môn từ Bác sĩ Nguyễn Tùng Long- Bác sĩ chuyên Khoa Nội Bệnh viện Sante

Liên hệ ngay để được tư vấn và đặt lịch khám với các chuyên gia hàng đầu tại Bệnh viện Sante:

Địa chỉ: 11A Đinh Bộ Lĩnh, Phường 24, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh

Hotline: (028) 2200 8686

Fanpage: www.facebook.com/benhviensante

Website: www.bvsante.com