Rối loạn tiền đình

Y học thường thức
11/04/2024
  • Chúng ta thường đối mặt với nhiều áp lực và thách thức trong công việc, cũng như những thói quen sinh hoạt không lành mạnh hằng ngày.
  • Một trong những vấn đề sức khỏe thường gây ra bất ổn và lo âu trong cuộc sống của nhiều người mà ít ai để ý đến đó là bệnh lý rối loạn tiền đình. Bài viết dưới đây nhằm cung cấp cái nhìn toàn diện từ nguyên nhân đến phương pháp điều trị về bệnh lý này.

Bệnh lý rối loạn tiền đình 

Tổng quan về bệnh rối loạn tiền đình

 Hệ thống tiền đình, nằm ở phía sau ốc tai, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì tư thế thăng bằng, cân đối cơ thể và phối hợp các cử động của mắt, đầu, thân. Rối loạn tiền đình là một tình trạng tổn thương dây thần kinh số 8 hoặc các yếu tố khác trong hệ thống tiền đình, gây mất khả năng kiểm soát thăng bằng và có thể dẫn đến các triệu chứng như chóng mặt, quay cuồng, hoa mắt, mất cân bằng,...Ngoài ra, tình trạng tắc nghẽn mạch máu nuôi não hoặc thiếu máu cũng khiến cho hệ thống tiền đình nhận thông tin chậm hoặc sai lệch từ não bộ, gây hội chứng rối loạn tiền đình.

Nguyên nhân dẫn đến rối loạn tiền đình

 Rối loạn tiền đình có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau bao gồm:

  •  Thiếu máu não, tắc nghẽn mạch máu, nhiễm độc hoặc gặp phải tác dụng phụ khi sử dụng một số loại thuốc trong thời gian dài cũng có thể gây rối loạn tiền đình.
  •  Người có các bệnh lý nền như: đái tháo đường, suy thận mạn, tuyến giáp, đái tháo đường,...
  •  Bị tổn thương tai trong với các bệnh lý viêm tai giữa do vi khuẩn hoặc virus.
  •  Thói quen sống không lành mạnh, sử dụng rượu bia và các chất kích thích. 
  •  Môi trường sống hoặc lao động thường xuyên tiếp xúc tiếng ồn.
  •  Tuổi càng cao nguy cơ mắc bệnh rối loạn tiền đình càng cao

Triệu chứng của bệnh 

 Triệu chứng của bệnh lý rối loạn tiền đình:

  •  Cảm giác chóng mặt, mất cân bằng 
  •  Khó khăn trong việc đi lại và duy trì tư thế thẳng đứng
  •  Ù tai hoa mắt hoặc tiếng kêu trong đầu 
  •  Buồn nôn 
  •  Ngoài ra còn một số triệu chứng khác như thay đổi nhịp tim, lo lắng, rối loạn tiêu hoá.

Phương pháp điều trị

Để điều trị bệnh lý rối loạn tiền đình, việc chẩn đoán chính xác là rất quan trọng. Sau đó dựa trên bệnh sử, kết quả khám lâm sàng và xét nghiệm chẩn đoán. Bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị rối loạn tiền đình phù hợp với bệnh nhân, từ thay đổi lối sống cho đến điều trị bằng thuốc và cuối cùng là phẫu thuật.

  •  Dùng thuốc: Bao gồm thuốc chống say, thuốc chống nôn và thuốc kháng histamin.
  •  Vật lý trị liệu: Bao gồm việc thực hiện các bài tập cân bằng và cải thiện sự linh hoạt.
  •  Can thiệp phẫu thuật: Trong một số trường hợp nghiêm trọng, phẫu thuật có thể được xem xét để giải quyết các vấn đề cụ thể trong hệ thống tiền đình, não, mạch máu não

Rối loạn tiền đình có thể chỉ xuất hiện trong vài giờ nhưng cũng có thể kéo dài và tái phát trong nhiều ngày. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh ra nhiều hậu quả nguy hiểm như suy nhược cơ thể, nguy cơ mất thính lực, thậm chí đột quỵ do máu lên não kém. Tuy nhiên, với sự chẩn đoán đúng và các phương pháp điều trị phù hợp, người bệnh có thể tìm được sự giảm nhẹ hoặc kiểm soát triệu chứng hiệu quả. Việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia y tế là quan trọng để quản lý và điều trị bệnh lý này một cách hiệu quả.

 ---------------------------------------------------

 Bệnh viện Sante - Chăm sóc bằng cả trái tim 

  Địa chỉ: 11A Đinh Bộ Lĩnh, phường 24, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh

  Hotline: (028) 2200 8686

  Email: info@santehospital.com

  Website: www.bvsante.com