Rối loạn Lipid máu và nguy cơ bệnh tim mạch

Y học thường thức
28/03/2024

 Rối loạn lipid máu (RLLPM) là tình trạng bệnh lý khi có một hoặc nhiều thông số lipid bị rối loạn (tăng cholesterol hoặc tăng triglicerid, hoặc tăng LDL-c, hoặc giảm HDL-c…). RLLPM thường được phát hiện cùng lúc với mội số bệnh lý tim mạch-nội tiết-chuyển hóa. Đồng thời RLLPM cũng là yếu tố nguy cơ của bệnh lý này. Nguyên nhân của RLLPM có thể do nguyên phát như di truyền hoặc thứ phát do phong cách sống không hợp lý. Điều trị RLLPM thay đổi lối sống (tăng cường vận động thể lực, thay đổi chế độ ăn: hạn chế bia rượu, mỡ động vật…) hoặc dùng thuốc giảm lipid máu

Nguyên nhân gây rối loạn lipid máu

1. Rối loạn lipid máu tiên phát

- RLLPM tiên phát do đột biến gen làm tăng tổng hợp quá mức cholesterol (TC), triglicerid (TG), LDL-c hoặc giảm thanh thải TC, TG, LDL-c hoặc giảm tổng hợp HDL-c hoặc tăng thanh thải HDL-L. RLLPM tiên phát thường xảy ra sớm ở trẻ em và người trẻ tuổi, ít khi kèm thể trạng béo phì, gồm các trường hợp sau:
- Tăng triglycerid tiên phát: Là bệnh cảnh di truyền theo gen lặn, biểu hiện lâm sàng thường người bệnh không bị béo phì, có gan lách lớn, cường lách, thiếu máu giảm tiểu cầu, nhồi máu lách, viêm tụy cấp gây đau bụng.
- Tăng lipid máu hỗn hợp: Là bệnh cảnh di truyền, trong gia đình có nhiều người cùng mắc bệnh. Tăng lipid máu hỗn hợp có thể do tăng tổng hợp hoặc giảm thoái biến các lipoprotein. Lâm sàng thường béo phì, ban vàng, kháng insulin, đái đường típ 2, tăng acid uric máu.

2. Rối loạn lipid máu thứ phát

Nguyên nhân của RLLPM thứ phát do lối sống tĩnh tại, dùng nhiều bia-rượu, thức ăn giàu chất béo bão hòa. Các nguyên nhân thứ phát khác của RLLPM như đái tháo đường, bệnh thận mạn tính, suy giáp, xơ gan, dùng thuốc thiazid, corticoides, estrogen, chẹn beta giao cảm.
Tăng triglycerid thứ phát:

  • Đái tháo đường: thường tăng triglycerid máu do hoạt tính enzyme lipoprotein lipase giảm. Nếu glucose máu được kiểm soát tốt thì triglycerid sẽ giảm sau vài tuần. Tăng TG máu là yếu tố nguy cơ xơ vữa động mạch ở người bệnh đái tháo đường
  • Cường cortisol (Hội chứng Cushing): có tình trạng giảm dị hóa các lipoprotein do giảm hoạt tính enzyme lipoprotein lipase. Tình trạng này càng rõ hơn trong trường hợp kèm kháng insulin và đái tháo đường.
  • Sử dụng estrogen: ở phụ nữ dùng estrogen thời gian dài, có sự gia tăng TG do tăng tổng hợp VLDL. Trong thai kỳ, nồng độ estrogen tăng cũng làm gia tăng TG gấp 2-3 lần và sẽ trở lại mức bình thường sau sinh khoảng 6 tuần.
  • Nghiện rượu: làm rối loạn lipid máu, chủ yếu tăng triglycerid. Đặc biệt, rượu làm tăng đáng kể nồng độ triglycerid máu ở những người tăng sản TG nguyên phát hoặc thứ phát do các nguyên nhân khác. Hội chứng Zieve tăng TC máu, rượu chuyển thành acetat làm giảm sự oxyd hóa acid béo ở gan nên acid béo tham gia sản xuất TG gây gan nhiễm mỡ và tăng sản xuất VLDL, chức năng gan giảm dẫn đến giảm hoạt tính enzyme LCAT (Lecithin cholesterol acyltransferase: enzyme ester hóa cholesterol) nên cholesterol ứ đọng trong hồng cầu làm vỡ hồng cầu gây thiếu máu tán huyết.
  • Bệnh thận: trong hội chứng thận hư, tăng VLDL và LDL do gan tăng tổng hợp để bù và lượng protein máu giảm do thải qua nước tiểu. TG tăng do albumin máu giảm nên acid béo tự do gắn với albumin cũng giảm, acid béo tự do tăng gắn vào lipoprotein làm cho sự thủy phân TG của các lipoprotein này bị giảm

Dấu hiêu nhận biết rối loạn lipid máu

 Rối loạn lipid máu là bệnh lý sinh học, xảy ra sau một thời gian dài mà không thể nhận biết được, vì RLLPM không có triệu chứng đặc trưng. Phần lớn triệu chứng lâm sàng của rối loạn lipid máu chỉ được phát hiện khi nồng độ các thành phần lipid máu cao kéo dài hoặc gây ra các biến chứng ở các cơ quan như xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não, các ban vàng ở mi mắt, khuỷu tay, đầu gối, RLLPM có thể gây viêm tụy cấp. RLLPM thường được phát hiện muộn trong nhiều bệnh lý khác nhau của nhóm bệnh tim mạch - nội tiết - chuyển hóa

Tại sao rối loạn lipid máu gây nguy hiểm?

- Tăng cholesterol máu đã được chứng minh là một yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được đối với các bệnh tim mạch (bệnh động mạch vành, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não). Thông thường có nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch hay đi kèm nhau và thúc đẩy nhau tiến triển. Khi bạn có nhiều yếu tố nguy cơ kết hợp sẽ làm nguy cơ bệnh tim mạch của bạn tăng lên gấp nhiều lần.

- Khi có quá nhiều LDL cholesterol lưu thông trong máu của bạn, nó sẽ từ từ lắng đọng vào thành các mạch máu của bạn. Cùng với một số chất khác, nó sẽ hình thành mảng xơ vữa động mạch và làm lòng mạch của bạn bị hẹp dần hoặc tắc hoàn toàn.

- Xơ vữa động mạch là thuật ngữ được dùng để mô tả quá trình lắng đọng các chất béo, cholesterol, sản phẩm thoái giáng của tế bào, lắng đọng calci và sợi đông máu (fibrin) ở trong thành động mạch. Quá trình xơ vữa động mạch cũng được thấy gia tăng theo tuổi, có liên quan yếu tố gia đình và ở một số người có các nguy cơ tim mạch khác (ngoài việc rối loạn lipid máu) như đái tháo đường, béo phì, hút thuốc lá, tăng huyết áp…

Làm thế nào để ngăn ngừa và điều trị rối loạn lipid máu?

Rối loạn lipid máu, hay tăng nồng độ cholesterol trong máu, được xem là một trong những nguy cơ hàng đầu gây ra bệnh tim mạch. Mỗi năm, trên toàn cầu có khoảng 17 triệu người mất mạng vì các bệnh tim mạch, trong đó đa số liên quan đến xơ vữa động mạch. Tuy nhiên, tin vui là bạn hoàn toàn có thể kiểm soát được mức độ cholesterol của mình và giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Điều quan trọng là bạn cần phải tuân thủ các nguyên tắc và thực hiện các biện pháp cụ thể theo hướng dẫn của bác sĩ. Việc điều trị và kiểm soát rối loạn lipid máu là một quá trình liên tục, kéo dài suốt đời với mục tiêu chính là ngăn chặn các biến chứng tim mạch tối đa.

Sau đây là những khuyến cáo để bạn tham khảo:

Thay đổi lối sống là yếu tố có thể thay đổi được và có ảnh hưởng mạnh đến rối loạn lipid máu như chế độ ăn uống, cân nặng, tập thể dục, phơi nhiễm (hút) thuốc lá…Do vậy, bạn cần tuân thủ:

 • Chế độ ăn uống khỏe mạnh, hợp lý

• Tập thể dục đều đặn

• Loại bỏ các thói quen có hại: hút thuốc lá, uống quá nhiều rượu…

Vấn đề ăn uống

Các chuyên gia đều đưa ra lời khuyên là bạn cần biết về các thức ăn “béo” để có thể có chế độ ăn uống phù hợp nhất.

Các thức ăn nào làm tăng LDL – Cholesterol?

• Chất béo bão hòa (no): Thường thức ăn có nguồn gốc động vật (đặc biệt ở mỡ động vật như thịt bò, mỡ bò, thịt lợn (mỡ), thịt cừu, thịt gia cầm béo, bơ, kem, pho mát... và từ một số thực vật như dừa, sữa dừa, dầu dừa, dầu cọ, hạnh nhân, bơ thực vật

• Chất béo không bão hòa dạng trans (TFA hay trans – fatty acids): Chất mỡ không bão hòa thường tốt hơn cho cơ thể, nhưng có hai dạng theo cấu trúc hóa học là dạng cis và trans. Đa số chất béo không bão hòa tự nhiên là dạng cis. Tuy vậy, dạng trans có thể hình thành trong quá trình chế biến thức ăn, chất béo sẽ bị hydro hóa và thường gặp trong quá trình chiên, rán, margarine. Chất này có thể thấy trong các thịt lợn, bò, bơ béo hoặc gặp trong các thức ăn chế biến sẵn như mì ăn liền (loại có chiên tẩm), các đồ ăn nhanh, đồ ăn đóng sẵn có chiên rán… TFA cũng được chứng minh là làm tăng lượng cholesterol máu.

• Thức ăn có cholesterol: Có nguồn gốc từ động vật và có nhiều trong lòng đỏ trứng, phủ tạng động vật…

• Chất béo không bão hòa bao gồm loại đơn và loại đa (Polyunsaturated and monounsaturated fats). Các chất này thấy nhiều trong cá, hạt, củ và dầu thực vật. Một vài ví dụ các thức ăn chứa nhiều loại này là: cá hồi, cá chích, quả bơ, quả ô liu, các dầu ăn từ hướng dương, dầu đậu nành, dầu ngô…Loại chất béo không bão hòa này có lợi cho cơ thể khi bạn dùng chúng thay vì dùng loại mỡ bão hòa. Giữ một thành phần trong bữa ăn với chất béo loại này chiếm khoảng 25 – 35% là hợp lý.

NÊN ĂN:

• Ăn nhiều rau, hoa quả (nhiều lần trong ngày)

• Ăn các loại ngũ cốc thay đổi và chế biến thô (bánh mì đen, gạo thô…)

• Uống sữa không béo

• Thịt nạc hoặc thịt gia cầm không da

• Cá béo (nhiều dầu), ăn ít nhất 2 lần/tuần

• Đậu và đậu Hà lan

• Các loại hạt (số lượng hạn chế 4 - 5 lần/tuần)

• Dầu thực vật không bão hòa (dầu ô liu, dầu hướng dương, dầu đậu nành…), nhưng không ăn bơ thực vật chế biến từ chúng

NÊN HẠN CHẾ:

• Mỡ động vật, thịt động vật chưa lọc mỡ

• Sữa béo (nguyên kem)

• Lòng đỏ trứng, bơ, format béo và các đồ ăn chế biến từ chúng

• Thịt vịt và ngỗng béo (nuôi công nghiệp)

• Bánh làm từ lòng đỏ trứng và mỡ bão hòa

• Phủ tạng động vật (gan, thận, óc, lá lách…)

• Các loại đồ ăn chế biến sẵn nhiều chất béo: xúc xích, salami…

• Dầu thực vật nhiều chất béo bão hòa: dầu dừa, dầu cọ, dầu hạnh nhân..

• Các bơ thực vật

• Các đồ ăn chiên rán sẵn, đồ ăn nhanh (bao gồm cả mì ăn liền)…

• Chế độ tập luyện đều đặn

Bài viết được tham khảo chuyên môn từ Bác sĩ Nguyễn Thị Diệu Huyền - Bác sĩ chuyên Khoa Nội Bệnh viện Sante

Liên hệ ngay để được tư vấn và đặt lịch khám với các chuyên gia hàng đầu tại Bệnh viện Sante:

Địa chỉ: 11A Đinh Bộ Lĩnh, Phường 24, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh

Hotline: (028) 2200 8686

Fanpage: www.facebook.com/benhviensante

Website: www.bvsante.com