Những điều cần biết về viêm loét dạ dày

Y học thường thức
05/04/2024

Viêm loét dạ dày là tổn thương gây viêm và loét trên niêm mạc dạ dày. Những tổn thương này xảy ra khi lớp niêm mạc bảo vệ cuối cùng của dạ dày bị bào mòn làm cho lớp mô bên dưới bị lộ ra. Bệnh viêm loét dạ dày có thể gây ra tình trạng xuất huyết tiêu hóa nếu ổ loét lớn, chảy máu. Nếu bệnh nhân không được phát hiện biến chứng xuất huyết tiêu hóa để điều trị kịp thời thì người bệnh có thể tử vong do mất máu.

Viêm loét dạ dày gặp ở mọi lứa tuổi đặc biệt ở người già và chiếm 60% trong tổng số các trường hợp.

Nguyên nhân bệnh Viêm loét dạ dày

Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm loét dạ dày, một số nguyên nhân chủ yếu đó là:

  •  Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori): Đây là vi khuẩn sau khi xâm nhập sẽ sinh sống và phát triển tại lớp nhầy niêm mạc dạ dày người. Chúng tiết ra độc tố làm mất khả năng chống lại acid của niêm mạc. Chúng là nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm dạ dày mạn tính tiến triển thành loét hoặc ung thư dạ dày.
  • Thường xuyên sử dụng các loại thuốc giảm đau và kháng viêm: Các loại thuốc giảm đau và kháng viêm  khi sử dụng lâu có tác dụng ức chế các chất bảo vệ niêm mạc dạ dày gây đau và viêm loét dạ dày.
  • Stress: Căng thẳng, buồn phiền, tức giận, lo lắng, sợ hãi khiến mất cân bằng chức năng cho dạ dày làm dịch vị dạ dày tăng tiết, lớp niêm mạc bảo vệ dạ dày bị tổn thương gây viêm loét dạ dày.
  • Ăn uống và sinh hoạt: Việc ăn uống không đúng bữa, không điều độ, ăn quá no hoặc quá đói, uống quá nhiều rượu dẫn đến hoạt động co bóp của dạ dày bị ảnh hưởng, dịch vị dạ dày tăng tiết, lớp bảo vệ niêm mạc bị tổn thương dần sẽ dẫn đến viêm dạ dày và gây loét dạ dày.
  • Các nguyên nhân tự miễn, do hóa chất ...

Triệu chứng viêm loét dạ dày

- Bệnh viêm loét dạ dày có những triệu chứng cụ thể. Tuy nhiên đối với các trường hợp mắc bệnh nhẹ, bệnh vừa khởi phát thì rất khó để nhận biết. Bởi vì, triệu chứng cơ bản và đầu tiên nhất của hiện tượng viêm và loét tại dạ dày là những cơn đau âm ỉ ở phần ruột non. 

- Đây cũng là nguyên do mà nhiều người thường lầm tưởng giữa viêm loét dạ dày và đau bụng thông thường. Để có cái nhìn rõ nét hơn về triệu chứng bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, hãy cùng theo dõi một số thông tin sau đây:

  • Đầy hơi, không tiêu, hay buồn nôn: Do dạ dày tiết ra nhiều axit nên dẫn đến hiện tượng trào ngược dạ dày, buồn nôn ở người bệnh. Bệnh nhân viêm loét dạ dày đồng thời cũng cảm thấy khó chịu, đầy hơi và khó tiêu hóa thức ăn. Điều này gây ra các hiện tượng đi kèm như ợ hơi, biếng ăn, ăn không ngon miệng.
  • Đau phần trên rốn: Hay còn gọi là phần thượng vị, là dấu hiệu cơ bản nhất để nhận biết tình trạng viêm loét dạ dày tá tràng. Cơn đau thường âm ỉ và cực kỳ khó chịu.
  • Khó ngủ, ngủ không ngon giấc: Khi bị viêm loét dạ dày không chỉ ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa mà còn ảnh hưởng đến giấc ngủ của người bệnh. Do bị đầy bụng, đau bụng và hay đói vào lúc nửa đêm nên người bệnh rất khó vào giấc.
  • Ợ hơi thường xuyên, nóng rát ở phần dạ dày: Đây là một trong những triệu chứng viêm loét dạ dày phổ biến ở các bệnh nhân. Cụ thể, gặp nhiều nhất là ở những bệnh nhân mới khởi phát bệnh.
  • Rối loạn các chức năng tiêu hóa: Triệu chứng này khá dễ thấy thông qua các hiện tượng đau bụng liên tục, tiêu chảy hoặc táo bón. Do khả năng tiêu hóa của bệnh nhân bị viêm loét dạ dày không còn hoạt động bình thường nên các hiện tượng rối loạn tiêu hóa xảy ra là điều dễ hiểu.

Ai là đối tượng dễ mắc bệnh viêm loét dạ dày?

Viêm loét dạ dày có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào. Tuy nhiên, bệnh thường gặp nhất ở những người trên 50 tuổi. Bên cạnh đó, người có các yếu tố nguy cơ sau dễ mắc phải căn bệnh này hơn:

1. Thường xuyên hút thuốc lá và uống rượu/các thức uống có cồn khác

Thuốc lá chứa nhiều chất độc hại có thể khiến cơ chế bảo vệ dạ dày suy yếu, làm cơ quan này dễ bị tổn thương. Trong khi đó, rượu lại làm các vết loét có sẵn lâu lành, đồng thời kích thích tiết axit để tạo các vết loét mới.

2. Hay căng thẳng, lo lắng

Tình trạng căng thẳng, lo lắng kéo dài có thể khiến dịch vị ở dạ dày tiết ra liên tục, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của dạ dày, tăng nguy cơ hình thành vết loét.

3. Ăn uống, sinh hoạt không điều độ, thiếu khoa học

Thường xuyên bỏ bữa sáng, thức khuya, ăn uống không đúng giờ, lười vận động… là những thói quen xấu làm tăng nguy cơ gây viêm loét dạ dày.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Viêm loét dạ dày

  • Thủ thuật nội soi: Việc nội soi dạ dày sẽ giúp bác sĩ quan sát một cách rõ ràng và chi tiết đồng thời đánh giá chính xác mức độ bệnh. Từ đó cũng tiên lượng khả năng điều trị vì có những ổ loét đơn giản có thể điều trị nội khoa nhưng những ổ loét xấu, xù xì, lồi lõm, xơ chai có thể là ung thư dạ dày thể loét. Khi đó bác sĩ nội soi tiêu hóa sẽ sinh thiết bờ ổ loét để chẩn đoán ung thư dạ dày sớm.

  • Xét nghiệm máu, phân: Giúp đánh giá tình trạng thiếu máu, đặc biệt trong trường hợp viêm loét dạ dày có biến chứng xuất huyết tiêu hóa, nồng độ các enzym niêm mạc dạ dày và tình trạng hồng cầu trong phân.

Các biến chứng của viêm loét dạ dày

Viêm loét dạ dày ở giai đoạn cấp tính là tình trạng không quá đáng ngại, có thể chữa trị khỏi hẳn bằng các biện pháp phù hợp. Nhưng một khi đã chuyển sang giai đoạn mãn tính thì bệnh rất khó điều trị khỏi hoàn toàn và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng người bệnh. Các biến chứng của viêm loét có thể gặp phải bao gồm:

  • Xuất huyết tiêu hóa: Đây là một trong những biến chứng viêm loét dạ dày thường gặp nhất. Tình trạng này có thể khiến người bệnh bị mất máu, gây chóng mặt, da nhợt nhạt, nôn ra máu hoặc phân có màu đen.
  • Thủng dạ dày: Vết loét lâu ngày có thể khiến dạ dày bị thủng, gây ra hiện tượng đau bụng đột ngột, dữ dội.
  • Hẹp môn vị: Môn vị là vị trí nằm ở cuối dạ dày, nơi tiếp nối với hành tá tràng. Viêm loét dạ dày có thể hình thành các mô viêm xơ ở vị trí này, ngăn cản quá trình vận chuyển của thức ăn trong hệ tiêu hóa. Một số triệu chứng thường gặp của hẹp môn vị là nôn ói, bụng óc ách thức ăn cũ và sụt cân nhanh.
  • Ung thư dạ dày: Viêm loét dạ dày là một trong những yếu tố nguy cơ hình thành các khối u ác tính ở dạ dày.

Phương pháp điều trị viêm loét dạ dày

Tùy theo nguyên nhân gây viêm loét mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp với người bệnh. Điều quan trọng là bệnh nhân phải đi khám sớm ngay khi có các biểu hiện bất thường. Khám chữa càng sớm, cơ hội khỏi bệnh càng cao.

Điều trị nội khoa viêm loét dạ dày

- Nếu tình trạng viêm loét là do nhiễm khuẩn HP gây ra, bác sĩ có thể chỉ định điều trị theo phác đồ tiệt trừ vi khuẩn Helicobacter pylori. Hiện nay, do vấn đề kháng thuốc lan rộng nên phác đồ tiệt trừ HP đang được sử dụng phổ biến nhất là phác đồ 4 thuốc có Bismuth hoặc có Levofloxacin.

- Bên cạnh đó, người bệnh cũng được yêu cầu ngừng sử dụng tất cả các thuốc NSAID (nếu được) để đẩy nhanh quá trình phục hồi.

- Trong quá trình điều trị, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ của thuốc như buồn nôn, chóng mặt, đau đầu, tiêu chảy, đau bụng… Những tác dụng phụ này thường là tạm thời và sẽ biến mất sau khi kết thúc liệu trình điều trị. Tuy nhiên, nếu gặp phải các tác dụng phụ gây khó chịu cực độ, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để xem xét thay đổi liệu trình điều trị.

- Khi được điều trị đúng cách, các triệu chứng của viêm loét dạ dày sẽ nhanh chóng thuyên giảm. Dù vậy, BS lưu ý người bệnh vẫn cần tiếp tục sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý giảm liều hoặc ngừng uống thuốc. Điều này nhằm đảm bảo rằng vi khuẩn HP được loại bỏ hoàn toàn, ngăn tình trạng nhờn, kháng thuốc.

Điều trị phẫu thuật

Trong một số trường hợp hiếm gặp, bác sĩ có thể chỉ định phương pháp phẫu thuật để điều trị tình trạng viêm loét dạ dày phức tạp. Đó là khi điều trị nội khoa không đem lại hiệu quả tích cực, vết loét không lành lại hoặc thường xuyên tái phát ở vị trí cũ, hoặc khi viêm loét đã gây các biến chứng như chảy máu, thủng dạ dày, hẹp môn vị ngăn cản thức ăn đi xuống ruột non…

Bài viết được tham khảo chuyên môn từ Bác sĩ Nguyễn Thị Diệu Huyền - Bác sĩ chuyên Khoa Nội Bệnh viện Sante
Liên hệ ngay để được tư vấn và đặt lịch khám với các chuyên gia hàng đầu tại Bệnh viện Sante:
Địa chỉ: 11A Đinh Bộ Lĩnh, Phường 24, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh
Hotline: (028) 2200 8686
Fanpage: www.facebook.com/benhviensante
Website: www.bvsante.com