Hội chứng ống cổ tay

Y học thường thức
08/10/2023

Hội chứng ống cổ tay hay còn gọi là hội chứng cổ tay hẹp, là bệnh lý thường gặp, gây tê, yếu khó chịu và giảm cảm giác ở bàn tay và các ngon tay. Bệnh này xảy ra do dây thần kinh giữa bị chèn ép khi đi qua ống cổ tay, một khe hẹp được hình thành bởi các xương và dây chằng phía sau lòng bàn tay. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, hội chứng ống cổ tay có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như teo cơ và giảm cảm giác; mất cảm các ngón tay.

  

Nguyên nhân gây ra hội chứng ống tay

Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra hội chứng ống cổ tay, bao gồm:

  • Các hoạt động lặp đi lặp lại của cổ tay, như đánh máy, sử dụng chuột máy tính, may vá, làm vườn, chơi nhạc cụ…
  • Các bệnh lý khớp, như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp gout, thoái hóa khớp…
  • Các bệnh lý nội tiết, như tiểu đường, bệnh Basedow, suy giáp…
  • Các bệnh lý thần kinh, như thoát vị đĩa đệm cổ, u ác tính thần kinh ngoại biên…
  • Các yếu tố sinh lý, như thai kỳ, mãn kinh, béo phì…
  • Các tổn thương hoặc dị dạng của ống cổ tay, như gãy xương, trật khớp, u xương…

Hội chứng ống cổ tay 1

Triệu chứng của hội chứng ống cổ tay

Các triệu chứng của hội chứng ống cổ tay thường xuất hiện từ từ và có xu hướng nặng hơn vào ban đêm hoặc khi thức dậy buổi sáng. Triệu chứng bệnh lý có thể chia làm 3 giai đoạn như sau:

- Giai đoạn đầu:

  • Đau và tê bì ở bàn tay và các ngón tay ( thường là ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và một nửa ngón út), có thể lan lên cẳng tay và cánh tay.
  • Sưng phồng và nóng rát ở bàn tay.
  • Thỉnh thoảng xuất hiện khi các động tác căng cổ bàn tay, lái xe đường xa, làm việc nặng,...

- Giai đoạn vừa:

Các triệu chứng đau, tê bì sẽ xuất hiện thường xuyên hơn như khi lái xe khoảng ngắn, làm việc nhà.

- Giai đoạn nặng: Sẽ xuất hiện các dấu hiệu như:

  • Giảm cảm giác hoặc mất cảm giác ở các vùng da do dây thần kinh giữa chi phối.
  • Yếu và vụng về khi cầm nắm hoặc thực hiện các động tác tỉ mỉ của bàn tay và các ngón tay.
  • Đánh rơi đồ vật do mất lực nắm hoặc mất kiểm soát vị trí của bàn tay.

Hội chứng ống cổ tay 2

Cách điều trị hội chứng ống cổ tay

Để điều trị hội chứng ống cổ tay, có thể áp dụng các phương pháp sau:

Phương pháp bảo tồn:

  • Nghỉ ngơi và giảm thiểu các hoạt động gây áp lực lên ống cổ tay.
  • Dùng nẹp hoặc băng bó để giữ cho cổ tay ở tư thế thẳng, giảm sự chèn ép lên dây thần kinh giữa.
  • Dùng thuốc giảm đau và chống viêm, như ibuprofen, naproxen, aspirin…
  • Dùng thuốc tiêm corticosteroid để giảm sưng viêm và cải thiện triệu chứng.
  • Thực hiện các bài tập vận động và duỗi cơ cho cổ tay và bàn tay.
  • Tham gia các liệu pháp hỗ trợ, như xoa bóp, điện châm, vật lý trị liệu…

Phương pháp phẫu thuật :

Đặt ra khi điều trị bảo tồn thất bại, tái phát hoặc có các triệu chứng: teo cơ, mất cảm giác các ngón tay.  Hiện nay, có 2 phương pháp tiến hành phẫu thuật đó là phẫu thuật hở và phẫu thuật nội soi.

- Phẫu thuật hở: Phương pháp truyền thống, được thực hiện phổ biến ở hầu hết các trung tâm. Bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt lớp da và dây chằng trên cổ tay để giải phóng chèn ép, tăng khoảng không gian cho dây dây chằng thần kinh giữa.

  • Ưu điểm: Nhanh chóng, dễ thực hiện và hiệu quả đạt được gần như là 100%.
  • Nhược điểm: Tăng diện căn thiệp, cần nhiều thời gian phục hồi, tỉ lệ để lại sẹo xấu cao, một số trường hợp dính thần kinh sau phẫu thuật do tập phục hồi chức năng chưa đúng. 

- Phẫu thuật nội soi: Là phương pháp mổ tiếp cận thông qua ngã nội soi qua một ống nhỏ, mỏng và linh hoạt, bên trong ống có chứa máy ảnh và một ống khác chứa các dụng cụ can thiệp đưa vào cổ tay thông qua vết cắt rất nhỏ. Hình ảnh camera thu được sẽ được chiếu lên màn hình để bác sĩ điều khiển dụng cụ bên trong.

  • Ưu điểm: Đạt độ thẩm mỹ cao với vết sẹo rất nhỏ
  • Nhược điểm: Đòi hỏi trang thiết bị, hệ thống máy móc nội soi phẫu thuật hiện đại, bác sĩ phẫu thuật giàu kinh nghiệm và được đào tạo chuyên môn cao nhằm hạn chế nguy cơ tái phát. Chi phí điều trị cao.

Cách phòng ngừa hội chứng ống cổ tay

Để phòng ngừa hội chứng ống cổ tay, có thể thực hiện các biện pháp sau:

  • Hạn chế các hoạt động gây áp lực lên ống cổ tay hoặc thay đổi cách thức thực hiện chúng.
  • Giữ cho cổ tay ở tư thế thoải mái và tự nhiên khi làm việc hoặc nghỉ ngơi.
  • Thường xuyên duỗi và xoay cổ tay để tăng cường tuần hoàn máu và linh hoạt khớp.
  • Sử dụng các thiết bị hỗ trợ, như bàn phím máy tính có góc nghiêng, chuột máy tính có đệm, nẹp cổ tay…
  • Điều trị các bệnh lý có liên quan đến hội chứng ống cổ tay, như tiểu đường, viêm khớp…

Hội chứng ống cổ tay 3

Trên đây là một số thông tin về dấu hiệu và triệu chứng của bệnh lý hội chứng ống cổ tay, cũng như các biện pháp phòng ngừa. Việc chẩn đoán và điều trị bệnh sớm sẽ giúp bệnh nhân tăng cơ hội điều trị thành công và giảm thiểu các biến chứng liên quan. Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào như đã đề cập ở trên, hãy gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

-----------------------------------------------------------

Bệnh viện Sante - Chăm sóc bằng cả trái tim 

11A Đinh Bộ Lĩnh, phường 24, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh

Hotline: (028) 2200 8686

Email: info@santehospital.com

Website: www.benhviensante.com