Giải thoát “chân thấp chân cao” sau 50 năm chịu đựng

Y học thường thức
01/07/2024

“Cứ ngỡ như là mơ!”, là câu nói mang đầy cảm xúc của Cô Lan sau khi chữa trị tại Bệnh viện Sante. Cô Lan 73 tuổi, bị tai nạn từ năm 1975 nhưng không có đủ điều kiện để chữa trị, cô sống chung với các cơn đau và di chuyển chân thấp chân cao suốt gần 50 năm.

Gia đình cô Lan cho biết, thời mới giải phóng (1975) gia đình còn nhiều khó khăn về mặt tài chính cộng với y tế chưa hiện đại như bây giờ. Do vậy, lúc bị tai nạn cô được chẩn đoán là gãy xương chậu, ổ cối và xương mu nhưng cô vẫn phải chấp nhận chịu đựng đau đớn và cố gắng kiểm soát bệnh bằng các loại thuốc, từ thuốc tây đến thuốc ta, ai mách gì uống nấy chứ không được chữa trị đúng cách. 

Gần 50 năm qua, cô phải sinh hoạt trong trạng thái chân khập khiễng, không thể vận động như người khác. Tình trạng ngày càng nghiêm trọng khi tuổi tác càng lớn, sức chịu đựng của cô cũng bị giới hạn hơn. 5 năm trở lại đây, cơn đau tăng dần gây ảnh hưởng không hề nhỏ đến chất lượng cuộc sống của cô. 

Ngày 20/6/2024, Cô được người thân đưa đến Bệnh viện Sante trong trạng thái đau dữ dội từ đầu gối, cổ chân đến cột sống,... Cô nghẹn ngào, “Giấc ngủ ngon đối với tôi bây giờ như kỳ tích, tôi quá kiệt sức với các cơn đau, không biết tôi còn chịu đựng được bao lâu nữa…”

Sau khi thăm khám, TS.BS Tăng Hà Nam Anh và các bác sĩ hội chẩn, đánh giá cho biết tình trạng của cô Lan rất phức tạp. Viêm dính, cứng và thoái hóa do chấn thương khớp háng nặng kết hợp với gãy di lệch khung chậu trong thời gian dài nhưng không điều trị đúng cách đã làm cột sống vẹo hẳn sang một bên, khung chậu nghiêng lên, co rút cơ thắt lưng chậu và nhóm cơ dạng, mất cân xứng trương lực cơ hai bên, độ dài hai chân chênh lệch khoảng 4cm. Người bệnh không thể tiếp tục trì hoãn, buộc phải phẫu thuật để khôi phục vận động và cải thiện cơn đau.

Với kỹ thuật thay khớp háng 24h tại Bệnh viện Sante, việc phẫu thuật ít xâm lấn, bảo tồn các phần mềm như mô, cơ, bao khớp… Nhờ đó, sau phẫu thuật khoảng 6 – 12 tiếng, người bệnh đã có thể bắt đầu tập phục hồi chức năng, nhanh hơn rất nhiều so với các phương pháp mổ truyền thống.

Hình ảnh Xquang khớp háng trước và sau phẫu thuật của bệnh nhân

Đối với người bệnh thay khớp háng, đặc biệt là những trường hợp biến dạng dáng đi như cô Lan, tập phục hồi chức năng rất quan trọng. Tập luyện giúp khôi phục dần dáng đi, cải thiện sức cơ dạng, giảm nguy cơ trật khớp sau phẫu thuật, tăng biên độ vận động của khớp…Ngoài ra, tập luyện chức năng sớm còn giúp tránh được nguy cơ huyết khối, thuyên tắc phổi và các biến chứng do bất động lâu ngày gây ra.

Ngày thứ ba sau phẫu thuật, người bệnh không còn đau, đi lại nhẹ nhàng, cảm nhận hai chân dài bằng nhau và chuẩn bị xuất viện. Cô Lan hạnh phúc và phấn chấn chia sẻ, “Tôi vui dữ lắm, lúc mới nhập viện tôi rất lo lắng và sợ nhưng nhờ các cháu điều dưỡng với các bác sĩ động viên, chăm sóc, tôi mới đủ tự tin phẫu thuật. Giờ cơn đau không còn, 2 chân bằng nhau tôi đi lại cảm giác lạ lắm mà hạnh phúc vô cùng, cứ ngỡ như là mơ vậy đó”

Được biết, trường hợp cô Lan là một trong những ca phẫu thuật thay khớp háng rất phức tạp, đối mặt với nhiều rủi ro như bị liệt hoặc thậm chí là tử vong do mất máu, đòi hỏi kỹ thuật trong phẫu thuật và sự dày dặn kinh nghiệm của đội ngũ y bác sĩ là rất quan trọng, để có thể mang lại kết quả tốt nhất. Nhờ đó, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Sante một lần nữa thể hiện rõ hơn về sự tận tâm cũng như chuyên môn cao, hoàn thành tốt các trường hợp bệnh lý khó và phức tạp.

Nụ cười xen lẫn những giọt nước mắt hạnh phúc của bệnh nhân và người nhà luôn là nguồn động lực to lớn cho đội ngũ y bác sĩ tại Bệnh viện Sante không ngừng cố gắng, phát triển nhằm mang lại những giải pháp tốt nhất cho người bệnh. 

Bác sĩ Tăng Hà Nam Anh nhấn mạnh, với phương pháp thay khớp háng hiện đại và cải tiến tại Bệnh viện Sante như hiện nay, người bệnh không nên ngần ngại mà nên thực hiện thay khớp ngay khi có chỉ định của bác sĩ, để tránh các biến chứng và ảnh hưởng đến cuộc sống. Tuy vậy, đối với những trường hợp bệnh nhẹ, bác sĩ vẫn luôn ưu tiên các phương pháp bảo tồn.

(Tên bệnh nhân đã được thay đổi)