Cần làm gì để giữ sức khỏe tốt nhất nếu bạn bị ĐTĐ?
Nếu bạn bị ĐTĐ, điều quan trọng nhất bạn có thể làm là kiểm soát "ABC":
● "A" là viết tắt của "A1C" - A1C là xét nghiệm máu cho biết mức đường huyết trung bình của bạn trong vài tháng qua.
● "B" là viết tắt của "huyết áp-Blood pressure" - Nếu bạn bị ĐTĐ, việc kiểm soát huyết áp cũng quan trọng như kiểm soát lượng đường trong máu. Huyết áp cao khiến bạn có nguy cơ bị đau ngực, đột quỵ và bệnh thận.
● "C" là viết tắt của "Cholesterol" - Cholesterol cao là một yếu tố khác làm tăng nguy cơ đau ngực, đột quỵ và các vấn đề nghiêm trọng khác.
Tại sao kiểm soát “ABC” lại quan trọng như vậy?
Những người mắc bệnh ĐTĐ có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ cao hơn gấp 2 đến 3 lần so với người bình thường. Những người bị ĐTĐ cũng có thể bị đau ngực ở độ tuổi trẻ hơn. Khi đó, các cơn đau ngực có thể trầm trọng và gây tử vong nhiều hơn. Thêm vào đó, những người mắc ĐTĐ có nhiều khả năng mắc bệnh thận hơn. Bằng cách kiểm soát “ABC” của mình, bạn có thể giảm nguy cơ mắc các vấn đề này rất nhiều.
Lượng đường trong máu của tôi có phải chỉ số quan trọng nhất ?
Giữ lượng đường trong máu ở mức cho phép là điều quan trọng trong việc ngăn ngừa một số vấn đề do bệnh tiểu đường gây ra, bao gồm:
● Các biến chứng lên tim mạch, đột quỵ
● Các bệnh về mắt dẫn đến giảm thị lực hoặc mù lòa
● Bệnh thận
● Tổn thương dây thần kinh (được gọi là "bệnh lý thần kinh") có thể gây tê hoặc đau ở bàn tay và bàn chân
● Đôi khi cần phải phẫu thuật để lấy đi các ngón chân, ngón tay…nếu hoại tử hoặc nhiễm trùng gây nguy hiểm tính mạng
Mặc dù vậy, lượng đường trong máu chỉ là một trong những chỉ số bạn nên chú ý. Đó là bởi vì các vấn đề do huyết áp và cholesterol cao gây ra thường nghiêm trọng hơn các vấn đề do lượng đường trong máu cao gây ra.
Mức “ABC” của bạn nên là bao nhiêu?
Bệnh nhân mắc ĐTĐ hướng tới mục tiêu:
● Chỉ số A1C dưới 7%
● Huyết áp dưới 140/90 mmHg hoặc thấp hơn trong một số trường hợp
● Chỉ số LDL dưới 100 (LDL là một loại cholesterol, thường được gọi là "cholesterol xấu")
Làm cách nào để kiểm soát ABC của mình?
Bạn và bác sĩ sẽ làm việc cùng nhau để tạo ra một kế hoạch nhằm giữ cho “ABC” của bạn trong mức kiểm soát. Kế hoạch có thể bao gồm:
● Thuốc - Dùng thuốc theo toa để kiểm soát lượng đường trong máu.
- Có thể cần kiểm tra lượng đường trong máu mỗi ngày.
- Người bệnh ĐTĐ cũng cần dùng thuốc để điều trị huyết áp, cholesterol cao, hoặc để ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe trong tương lai.
● Thay đổi lối sống
• Lựa chọn thực phẩm lành mạnh - Ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và các sản phẩm từ sữa ít béo. Hạn chế ăn thịt, thức ăn chiên, nhiều dầu mỡ và thực phẩm đã qua chế biến (thịt hộp…).
• Vận động - Đi bộ, đạp xe… khoảng 30 phút trở lên vào hầu hết các ngày trong tuần.
• Ngừng hút thuốc - Hút thuốc làm tăng khả năng bị đau ngực, đột quỵ, hoặc phát triển ung thư.
• Giảm cân - Thừa cân làm tăng nguy cơ mắc nhiều vấn đề sức khỏe.
• Tránh đồ uống có cồn - Rượu, bia có thể làm tăng lượng đường trong máu và huyết áp.